Saturday, 27/07/2024 | 15:57
Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử xã Xuân Yên
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Di tích Đền thờ Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huấn

Đền thờ Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huấn thuộc thôn Hợp Giáp, xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh thờ Đệ nhị giáp Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huấn, là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Đệ nhị giáp Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huấn sinh tại làng Vương Hồ, thuộc xã Xuân Hải ngày nay. Ông đỗ Tiến sỹ năm Quý Sửu (1493) đời Hồng Đức, nhà Lê Sơ. Đệ nhị giáp TS Nguyễn Ngọc Huấn là một vị quan thanh liêm, uy dũng trung khang,bao phen dũng lược, hộ quốc yên dân. Ngài có công lớn với triều đình trong việc trấn giữ các tỉnh vùng biên cương phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, góp phần xây dựng đời Lê sơ hưng thịnh; trong việc đánh giặc xâm lăng quấy phá vùng biển Nghệ An, Hà Tĩnh.

Với quê hương, Đệ nhị giáp TS Nguyễn Ngọc Huấn có công chiêu dân lập ấp, đặt tên làng, tên xã và đưa tư tưởng tôn trọng học thức khoa bảng, đạo đức, lễ nghĩa, truyền dạy cho dân. Khi vùng biển Nghi Xuân bị giặc quấy phá, với tước vị vua Lê phong là “ Thảo tặc tướng quân”, ngài đã dẫn binh lính về dẹp giặc, giữ yên xóm làng. Nhân dân Đan Uyên vô cùng kính trọng, quý mến Ngài. Khi Ngài qua đời, các chức dịch cùng dân làng Đan Uyên đã tự nguyện đóng góp tiền của và công sức, xây dựng Đền thờ rất uy nghi, coi Ngài là Thành hoàng làng Đan Uyên. Từ xưa đến nay, Đức Thánh Đệ nhị đã là vị thần hộ mệnh cho dân làng Đan Uyên (xưa) và vùng lân cận, từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Đền Đệ nhị tọa lạc trên một vùng đất rộng, rất bằng phẳng, khô ráo. Xưa kia Đền được xây dựng đồ sộ, gồm nhiều tòa nhà uy nghi, có vách đá, cây cổ thụ bao quanh rất linh thiêng và u tịch. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, thực hiện chủ trương hợp tự, nhân dân Đan Uyên đã rước ngài về thờ ở một số cơ sở thờ tự trong xã. Chiến tranh phá hoại của đế quốc cùng với khí hậu khắc nghiệt đã khiến ngôi Đền bị xuống cấp nhanh chóng và trở thành phế tích..

Vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Đền Đệ nhị được nhân dân làng Đan Uyên tự nguyện phục dựng lại trên nền đất cũ của đền.  Từ lúc chỉ mới có  một ban thờ chật hẹp, sau gần nửa thế kỷ liên tục tôn tạo, phục dựng, qua nhiều bước bằng nguồn kinh phí tự đóng góp của nhân dân, về sau có thêm nguồn hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương… mới có hiện trạng như ngày hôm nay.

Đệ nhị giáp Nguyễn Ngọc Huấn xưa kia đã 2 lần được vua thời Lê sơ  và nhà Nguyễn cấp sắc phong để ghi nhận công lao của thánh nhân với nước với dân, và ghi nhận sự thờ phụng chu đáo của nhân dân địa phương. Ngày 27/8/2008, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định công nhận Đền thờ Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huấn là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh./.


Tác giả: Lệ Hằng

Liên kết Liên kết

Thống kê trong ngày Thống kê trong ngày

Đang online : 0
Tất cả : 5.268

Sự kiện Sự kiện