Qua hơn 5 thế kỷ đấu tranh chống thiên nhiên ác nghiệt và chống xâm lược, áp bức bóc lột tàn tệ để bảo vệ quê hương đất nước, người dân Xuân Yên đã tạo nên truyền thống văn hóa tốt đẹp. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, là tinh thần dám xả thân vì nghĩa lớn, là ý chí kiên cường, dũng cảm trong chống ngoại xâm và sự cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động sản xuất. Đó cũng là bản chất thuần hậu, bao dung, trọng lẽ phải và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng làng xóm. Nhân dân Xuân yên xưa nay vốn rất đỗi tự hào với quê hương, làng xóm mình là nơi có thế đất “ rồng trắng”. Từ xa xưa, tuy nghèo khó trong đời sống vật chất nhưng lại giàu trí thông minh, hiếu học và học giỏi. Cách đây bốn thế kỷ, đất Xuân Yên là quê hương của nhiều vị khoa bảng nổi tiếng trong huyện, trong tỉnh và ngày nay con em Xuân Yên nối chí tổ tiên, có nhiều người học hành thành đạt làm rạng rỡ cho gia đình, dòng tộc và làng xóm.
- Trong việc học hành, thì cụ Nguyễn Ngọc Huấn người Đan Uyên là vị khai khoa đầu tiên của xã. Cụ sinh năm 1446, đậu Tiến sĩ nhị giáp vào năm 1493 triều đại Hồng Đức thứ 24. Cụ cũng là người thứ 2 đậu tiến sĩ trên đất Nghi Xuân thời Hán học.
- Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huấn không chỉ là vị quan to, có nhiều công lao với nhà Lê thời thịnh trị, mà ông còn là người có rất nhiều công đức với làng xóm quê hương. Sau khi cụ mất dân Đan Uyên rất thương tiếc và kính trọng nên đã lập cụ làm thành hoàng của xã và quyên góp xây đền thờ cụ rất đồ sộ ở làng. Ngày giỗ cụ không chỉ dân Đan Uyên ngày xưa (nay là thôn Hợp Giáp, Trung Lộc) đến cúng tế và dân cả xã đều đến kính cẩn tưởng nhớ công lao của vị Tiến sĩ đã làm rạng danh cho cả xã và huyện.
Giữa thế kỷ 16, cụ Lê Văn Xướng người xã Tiên Bào thi đỗ Hoàng giáp vào năm 1565 đời vua Lê Anh Tôn. Năm 1718 cụ Lê Đăng Truyền quê Tiên Bào lại thi đậu Tiến sĩ vào khoa thi Vĩnh Thịnh thứ 4. Tương truyền cụ Lê Đăng Truyền cùng với người bạn cùng quê là Đậu Minh Dương từ thuở lên 9 lên 10 đã nổi tiếng “ thần đồng” học giỏi và thông minh khác người. Lớn lên theo đòi cử nghiệp, cả hai cụ được người cùng thời xếp vào hàng “ Nghệ An tứ hổ”
- Ngoài các vị Tiến sĩ trên, còn có người đậu tú tài, cử nhân Hán học thuộc các dòng họ Đặng, họ Phan, họ Lê, họ Đậu, họ Nguyễn,…Trong 15 dòng họ ở Xuân Yên có những gia đình liên tiếp hai ba thế hệ ông cha con cháu nối tiếp nhau đều thi cử đậu đạt và học giỏi có tiếng. Tiêu biểu như gia đình cụ Lê Đế Thạch ở Tiên bào xưa. Cụ là người đậu cử nhân, con, cháu, chắt, chiện của cụ kế tiếp nhau kẻ tú tài người cử nhân như các ông Lê Hoằng Quy, Lê Xuân Thụ, Lê Văn Diện.
- Cụ cử nhân Lê Hoằng Quy là một nhà sư phạm có công lao dạy dỗ hàng chục vị Tiến sĩ cử nhân trong huyện. Cụ không ra làm quan mà suốt đời tận tâm với nghề trồng người. Cụ chính là thầy học của Tiến sĩ Lê Đăng Truyền và cử nhân Đậu Minh Dương nổi danh trong “ Nghệ An tứ hổ”. Tú tài Lê Văn Diện là chắt nội của cụ Lê Hoằng Quy. Ông là người giỏi về nghề địa lý, có tài chọn đất lành để lập đền, lập nhà thờ cho hàng huyện, hàng tỉnh. Chính ông là người chọn đất ở làng Tả ao xưa để đặt huyện đường Nghi Xuân dưới triều nhà Nguyễn.
- Cụ Lê Văn Diện là người viết cuốn “ Nghi Xuân địa chí” vào năm 1842. Đây là tác phẩm khảo cứu có giá trị về địa lý, lịch sử huyện Nghi Xuân được các nhà nghiên cứu khoa học tin dùng và ca ngợi.
- Tiêu biểu cho tài sắc của phụ nữ Xuân Yên xưa là hai bà Lê Thị Vinh và Lê Thị Thanh mà sách Nghi Xuân địa chí xếp hai bà là các “liệt nữ” tiếng tăm hàng huyện.
- Bà Lê Thị Vinh là con gái Tiến sĩ Lê Đăng Truyền, từ nhỏ bà đã nổi tiếng ở kinh thành Thăng Long về tài và sắc. Bà là một thiếu nữ sắc nước hương trời được vua Lê cho vào cung cấm điều khiển ca nhi. Đặc biệt là bà có giọng hát du dương, hút hồn người nghe nên được vua Lê Dụ Tông chọn làm đệ nhị phi ở điện Phúc Thọ. Tên tuổi, hành trang của bà còn gắn bó muôn đời với quê hương trong các địa danh, di tích ở Tiên Bào, Đan Uyên như: đạp và chợ Trường Xuân, đàm và gò Hoàng Phi,…Cảm phục và quý yêu bà, bà Lê Dụ Tông phong tặng bà hiệu “ Lê Chiêu Nghi”
- Cháu bà Lê Chiêu Nghi là Lê Thị Thanh cũng là một thiếu nữ đa tài và có sắc đẹp rạng rỡ nên sớm được chọn vào cung cấm, được vua Lê Hiến Tông chọn làm đệ nhị phi và phong hiệu là “Ngọc nữ” danh là “ Lê tu nghi”.
- qua hơn nửa thế kỷ lập làng, lập xã, người dân Xuân Yên lúc nào cũng nặng lòng với non sông đất nước. Mỗi lúc “ quốc gia hữu sự” họ đều sẵn sàng xả thân để cứu nước cứu nhà. Từ các triều đại xa xưa cho đến những năm đầu thế kỷ 20, thời nào trên đất Xuân Yên cũng có những người nghĩa khí, cầm giáo cầm mác theo các đội nghĩa binh và quan quân rong ruổi trận mạc để bảo toàn bờ cõi đất nước, giữ yên làng xóm quê hương. Tiêu biểu như tú tài Hoàng Xuân Quảng ở Đan Uyên đã mộ binh là dân làng theo Tây Sơn Nguyễn Huệ ra Bắc Hà đánh tan 20 vạn quân Thanh xâm lược cuối thế kỷ 18 về sau được phong chức lang trung tướng quân.
- Khi Pháp xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn phản bội dân tộc, đầu hàng bọn ngoại xâm, cắt đất cho thực dân Pháp để thực hiện chủ hòa thì cử nhân Phan Khắc Hòa, người làng Tiên Bào đã từ bỏ chức tri phủ Quảng Hóa về quê hương ứng chiếu Cần vương của vua hàm nghi. Ông đã mộ quân trong làng, trong huyện để phối hợp cùng quân của Ấm Ninh( Đức Thọ), Nguyễn Huy Điến (Thạch Hà) kéo vào chiếm tỉnh thành Hà Tĩnh, trừng trị bọn Lê Đại phản bội nhân dân. Tháng 11/1885 sau trận thắng oanh liệt oqr thành Hà Tĩnh, ông được vua Hàm Nghi giao chức vụ Án sát tỉnh Hà Tĩnh. Thực dân Pháp chiếm lại thành, ông bị triều đình Huế bắt giam và xử trạm. Thi hài ông được gia đình và họ hàng đem về mai táng quê nhà ở làng Tiên Bào. Sự nghiệp dấy binh chống Pháp của cử nhân Phan Khắc Hòa không thành. Chức vụ án sát Hà Tĩnh của vua Hàm Nghi trao cho ông chưa đầy 1 tháng.
- Bước vào những năm đầu của thế kỷ 20, mùa hè 1908 hàng trăm nông dân nghèo ở Tiên Bào, Đan Uyên, Đô Uyên lại cơm gói, mói đùm, mang tơi đội nón theo ông Trịnh Khắc Lập ở Phan Xá kéo lên huyện đường Nghi Xuân và tỉnh thành Hà Tĩnh đòi miễn sưu, giảm thuế.
- Hai mưới năm sau phong trào chống thuế, nông dân Xuân Yên lại cùng cả huyện, cả tỉnh bước vào những hoạt động yêu nước theo xu hướng của cao trào cách mạng vô sản./.