Trồng nấm ăn, thanh niên Xuân Yên có thu nhập khá
Anh Kiều Ngọc Bính ở thôn Yên Nam, xã Xuân Yên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã mạnh dạn đầu tư mô hình trống nấm ăn, bước đầu cho thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Năm 2023, anh Kiều Ngọc Bính bắt đầu mở cơ sở trồng nấm tại địa phương.
Sau hơn 10 năm làm việc tại xứ sở Kim Chi, năm 2021, anh Kiều Ngọc Bính (SN 1986) cùng vợ trở về quê ở xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân. Với bản tính hay làm, anh đã tìm hiểu thực tế và đầu tư số tiền hơn 300 triệu đồng xây dựng cơ sở trồng nấm ăn.
Anh Kiều Ngọc Bính chia sẻ :“Trước đây, khi tôi và vợ ở Hàn Quốc, vợ tôi làm việc trong cơ sở sản xuất nấm nên tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu và ấp ủ ý định khi về Việt Nam sẽ mở một cơ sở trồng nấm. Hơn nữa, khi về quê nhận thấy ở Nghi Xuân hiện không có mô hình trồng nấm nào, trong khi Nghi Xuân lại là địa bàn tiếp giáp Thành phố Vinh (Nghệ An) có thị trường rộng lớn nên tôi đã quyết định mở cơ sở trồng nấm ăn”.
Nghĩ là làm, anh Bính đã “khăn gói” ra Học viện Nông nghiệp Việt Nam để học hỏi và đi thực tế học tập kinh nghiệm một số mô hình ở Hà Nội và trên địa bàn Hà Tĩnh. Tháng 4/2023, anh đã quyết định xây dựng nhà xưởng, lắp đặt kệ đặt bịch phôi nấm, mua nguyên vật liệu, thuê người làm, bắt đầu lập nghiệp trên chính mảnh đất của gia đình với diện tích ban đầu gần 300m2. Đến tháng 9, bắt đầu vụ nấm đầu tiên với quy mô 10.000 bịch phôi nấm sò.
Nguyên liệu của anh được sản xuất tại chỗ bao gồm mùn cưa trộn với bột ngô, cám, gạo tự nhiên. Việc tự sản xuất nguyên liệu khiến anh có thể tự chủ, không phải bị động khi nhập phôi giống ở nơi khác về.
Cơ sở trồng nấm của ảnh hiện có diện tích gần 300m2, quy mô 10.000 bịch nấm sò.
“Cây nấm có đặc tính ưa ẩm, nhiệt độ thấp nên thời tiết mùa này rất thuận lợi cho nấm phát triển. Mỗi bịch phôi nấm như vậy có thể thu hoạch khoảng 10 lứa, trong thời gian vòng đời 4-5 tháng và có thể cho về 5 lạng nấm. Đối với các mô hình phổ thông, người ta sẽ rạch bịch phôi cho nấm ra ở thân phôi nhưng tôi lại cho nấm ra ở cổ (nút) của bịch phôi. Mục đích là để mình điều tiết được lượng nấm ra để dễ tiêu thụ ổn định” anh Bính cho biết thêm.
Hiện nay, bước đầu trung bình mỗi ngày anh thu về khoảng 20kg - 30kg nấm sò. Sản phẩm của anh sau khi thu hoạch sẽ được nhập bán cho các cửa hàng, nhà hàng và người dân trên địa bàn Nghi Xuân và Thành phố Vinh với giá 40.000đ/kg.
Ông Trần Quang Sự - ở xã Xuân Yên cho biết : “Biết tin anh Bính mở cơ sở trồng nấm tại địa phương, gia đình đã tìm đến mua về để ăn và gửi sang cho con gái bên Thành phố Vinh. Nấm ở đây thơm, ngon, mọi người rất thích ăn”.
Theo anh Bính, với quy mô 10.000 bịch phôi như hiện nay, trung bình mỗi năm như vậy, mô hình của anh sẽ thu về khoảng hơn 10 tấn nấm, tương đương hơn 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 150 triệu đồng.
Nói về dự định thời gian tới, anh Bính thông tin : “Tôi đang dự tính sẽ mở rộng quy mô cơ sở từ 300m2 lên 1.000m2, đầu tư thêm hệ thống nhà lạnh và trồng khoảng 30.000 bịch nấm. Ngoài nấm sò thì tôi cũng đang tìm hiểu và sẽ trồng thêm nấm mộc nhĩ, nấm linh chi cung ứng ra thị trường”.
Bước đầu lập nghiệp, anh Bính được sự đồng hành, hỗ trợ của tổ chức đoàn.
“Mô hình trồng nấm của thanh niên Kiều Ngọc Bính là một mô hình thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thể hiện ý chí dám nghĩ, dám làm, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Khi mô hình mới thành lập, tổ chức Đoàn đã huy động lực lượng đoàn viên hỗ trợ ngày công để cùng anh Bính xây dựng cơ sở, làm bịch phôi nấm, giúp chủ mô hình tiếp cận vay vốn chính sách để phát triển mô hình. Đến nay, mô hình bước đầu đã cho thu nhập hiệu quả và giải quyết việc làm ổn định cho từ 2-4 lao động thanh niên tại địa phương” Bí thư Huyện đoàn Nghi Xuân Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết.
Đức Đồng