Saturday, 27/07/2024 | 15:43
Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử xã Xuân Yên
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đền Thánh Mẫu (Thôn Hợp Giáp, xã Xuân Yên)

Đền Thánh Mẫu tọa lạc thôn Hợp Giáp, xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Xuân Yên nay là xã được hình thành từ ba vùng đất cổ nổi tiếng lúc bấy giờ đó là xã Đan Uyên, Đô Uyên (thuộc tổng Đan Hải), xã Tiên Bào (thuộc tổng Phan Xá). Sau năm 1945 xã Đan Uyên, làng Đô Uyên, xã Tiên Bào hợp nhất với làng Tiên Điền thành xã Tiên Uyên. Năm 1949, xã Tiên Uyên hợp nhất với Giang Nam thành xã Tiên Yên Giang. Từ năm 1954, xã Tiên Yên Giang lại được tách thành ba xã Xuân Giang, Xuân Tiên (nay là Thị trấn Tiên Điền), Xuân Yên.

Đền Thánh Mẫu có lịch sử tồn tại hàng trăm năm. Sự tồn tại của đền gắn liền với bao thăng trầm của lịch sử xã Đan Uyên nói riêng, tổng Đan Hải nói chung. Đền  chính là một trong những sản phẩm của quá trình xây dựng và phát triển văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân Việt xưa.

Đền  là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng từ hàng trăm năm nay. Ngoài ra, Đền còn là nơi lưu giữ các pho tượng gỗ cổ, quý, các hiện vật như: Pho tượng Đức thánh Mẫu Liễu Hạnh, Long châu, cặp sáo kiệu (còn gọi đòn rồng), Voi gỗ, Tranh 2 đức quan ông (thần hộ vệ), Mũ thần, Sắc phong, Tráp (rương),... có giá trị cao. Giúp các nhà nghiên cứu có thêm nguồn sử liệu khi tìm hiểu về lịch sử của địa phương, một vùng đất có bề dày truyền thống về  “Nam tiến sĩ, nữ cung phi”.

Trong dân gian, Liễu Hạnh có nhiều tên khác nhau như: Bà chúa Liễu, Mẫu Liễu, Liễu Hạnh Công Chúa. Thần tích về bà chúa Liễu thì có nhiều, mang màu sắc huyền thoại hư thực, ngoài sự đại đồng còn có nhiều dị biệt.

Theo sách “Thần nữ và Liệt nữ Việt Nam” của tác giả Mai Ngọc Chúc biên soạn , Mẫu Liễu Hạnh đã được chép thành sách, đầy đủ và sớm hơn cả là tập Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748). Theo đó, Mẫu Liễu Hạnh vốn là công chúa Quỳnh Hoa, con gái Ngọc Hoàng, do phạm lỗi nên bị đày xuống trần gian. Nàng thác vào một gia đình nghèo ở làng An Thái, xã Vân Cát, huyện Thiên Bản (nay là xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), được cha mẹ đặt tên là Giáng Tiên. Nàng lớn lên nhan sắc xinh đẹp, lại đủ tài văn thơ đàn nhạc. Đến tuổi lấy chồng, nàng được cha mẹ gả cho Đào Lang. Năm 21 tuổi, vào ngày mùng 3 tháng 3, năm Đinh Sửu, niên hiệu Gia Thái thứ 6 (1577) triều vua Lê Thế Tông , Giáng Tiên đột ngột qua đời. Thực ra, Giáng Tiên không chết mà đã hết hạn xuống hạ giới phải về trời.

Sau đó, vì lưu luyến trần gian, công chúa đã xin với Ngọc Hoàng được xuống trần gian thêm nhiều lần nữa với tên gọi Liễu Hạnh để giúp đỡ những người dân khổ cực và trừng trị kẻ gian ác. Liễu Hạnh còn hiển linh giúp nhà vua đánh giặc nên được gia tặng là Chế Thắng Hoà Diệu đại vương (1)

Ba năm ở cõi trần, Liễu Hạnh biến thành một cô gái xinh đẹp, mở quán bán hàng ở vùng Đèo Ngang. Nàng luôn giúp đỡ những người nghèo khổ, trừng trị những kẻ xấu, kể cả Hoàng tử con vua Lê. Vì Hoàng tử giở trò chọc gẹo, Liễu Hạnh đã khiến hắn trở nên điên dại. Nhà vua vô cùng nổi giận, sai quan quân kéo theo cả pháp sư đến đối phó nhưng đều thất bại. Sau đó, nhà Vua nhờ Tám vị Kim Cương đến nài nỉ Phật Bà mượn được một cái túi thần kỳ, khiến Liễu Hạnh không thể chống đỡ. Khi bị bắt và tra hỏi, nàng đã trả lời rất cứng cỏi rằng chỉ trừng trị những kẻ xấu và ban ơn cho những người chịu khổ, chịu nạn thì làm gì nên tội?. Nhà vua đuối lý phải thả nàng về. Hết hạn chịu đày, Liễu Hạnh lại trở về trời. Nhưng lưu luyến trần gian, nàng tiếp tục xin Thượng đế cho xuống trần gian thêm nhiều lần nữa. Nàng ngao du khắp nơi, thường giúp đỡ người nghèo khó nên được nhân dân tôn làm Thánh Mẫu và được thờ phụng ở khắp nơi trên cả nước.

Mẫu Liễu Hạnh được liệt vào một trong “tứ bất tử” (Mẫu Liễu Hạnh, Thánh Gióng, thần Tản Viên, Chử Đồng Tử) của hệ thống thần linh Việt Nam. Các triều đại phong kiến Việt Nam đã có nhiều sắc phong phong Mẫu Liễu Hạnh là Mã Hoàng công chúa, Chế Thắng đại vương, Hoằng thi phổ độ anh linh tịnh chính diệu hóa trang trưng dực bảo trung hưng thượng đẳng thần, … Mẫu Liễu Hạnh được nhân dân khắp các miền Bắc, miền Trung và miền Nam đều lập đền thờ.

Tại Hà Tĩnh có rất nhiều nơi lập đền thờ thờ thời Thánh Mẫu Liễu Hạnh, từ Nghi Xuân đến Can Lộc, Kỳ Anh, từ Đức Thọ lên Hương Sơn, Hương Khê. Tại làng Đan Uyên, sau khi Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huấn tụ dân lập làng, cũng như nhiều cư dân vùng quê Việt, người dân nơi đây cũng đã lập đền thờ Đức thánh Mẫu Liễu Hạnh để thờ tự với mong muốn Đức thánh Mẫu phù hộ, độ trì cho nhân dân Đan Uyên được an cư lạc nghiệp, mùa màng bội thu, vượt qua thiên tai dịch họa, nhân dân ấm no hạnh phúc.

Đền Thánh Mẫu tại làng Đan Uyên (nay là thôn Hợp Giáp, xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) là một trên những đền thờ cổ được người dân xây dựng và gìn giữ lâu nhất còn lại trên vùng đất Xuân Yên đến tận ngày nay. Tại đền thờ còn lưu giữu 2 đôi câu đối cổ và một sắc phong tư thờ vua Khải Định về Mẫu Liễu Hạnh.

Hàng năm cứ đến ngày 03/3 âm lịch, người dân Đan Uyên ở quê nhà cũng như đi làm ăn xa họ đều trở về làng để thanh dự lễ hội đền Đức Mẹ được cả hai làng Đan Uyên, Đô Uyên tổ chức. Lễ này thường diễn ra vào ban đêm, trước ngày kỵ chính. Lễ vật bao gồm: hương thơm, hoa quả, oản, xôi chè, tiền, vàng mã. Những người chức sắc, các cụ cao niên trong làng và ban trị sự nhà Đền làm chủ tế. Lễ hội được tổ chức hai ngày là vào ngày 02 và 03 tháng 03 âm lịch. Nhân dân cùng nhau sắm sửa lễ vật dâng lên Thánh Mẫu. Sau khi lễ vật được dâng lên đại diện Ban hộ tự của nhà đền thỉnh chuông, điểm trống, bát nhã và tụng kinh, niệm phật, hát chèo văn thâu đêm đến sáng suốt cả hai ngày cầu mong cho quốc thái dân an, những điều tốt lành sẽ đến với người dân vùng đất này.

 Sau phần lễ chính được Ban nhà đền tổ chức theo nghi lễ truyền thống của dân tộc, nhân dân bắt đầu cùng nhau tổ chức phần hội. Phần hội có thi hát chèo, diễn tuồng, hát ví, các trò chơi dân gian như kéo co, cướp cờ ... tạo bầu không khí sinh hoạt văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc dân tộc, thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng làng xã.

 Ngày nay lễ kỵ của  Đức thánh Mẫu đơn giản hơn trước. Trước ngày kỵ chính Ban nhà đền sửa sang lễ vật kính dâng kèm theo sớ có ghi đầy đủ họ tên tín chủ, quê quán, nguyện vọng cầu xin, đến ngày kỵ chính nhân dân cùng nhau hành hương về đền kính lễ. Lễ xong ban nhà đền cùng nhân dân ở lại cùng nhau thụ lễ của Đức thánh Mẫu.


Tác giả: Lệ Hằng

Liên kết Liên kết

Thống kê trong ngày Thống kê trong ngày

Đang online : 0
Tất cả : 5.268

Sự kiện Sự kiện